- Du lịch Phượng Hoàng
- /
- Tin tức
- /
- Kinh nghiệm Du lịch
- /
- Dãy Nũi Altai Mông Cổ
Dãy Nũi Altai Mông Cổ
Du lịch Mông Cổ nổi tiếng với những thảo nguyên xanh ngát, những vòm trời xanh trong cao ngất. Bạn cũng sẽ cảm nhận được lòng hiếu khách và phóng khoáng đậm chất du mục của người Mông Cổ. Hãy đến dãy núi Altai Mông Cổ để trải nghiệm một mùa hè thật khác. Với nhiều cảnh quan hấp dẫn và những điều huyền bí đang chờ bạn khám phá.
Dãy núi Altay, hay dãy núi Altai, là một dãy núi ở trung tâm châu Á, nằm trên khu vực biên giới Nga, Trung Quốc, Mông Cổ và Kazakhstan, và là thượng nguồn của các con sông lớn như Irtysh, Obi và Enisei. Phần kết thúc phía tây bắc của dãy núi là tọa độ 52° Bắc và trong khoảng 84-90° Đông (tại đây nó nối liền với dãy núi Sayan ở phía đông). Dãy núi này kéo dài về phía đông nam từ đây tới khu vực có tọa độ khoảng 45° Bắc 99° Đông, tại đây nó thấp dần và hòa trộn vào vùng cao nguyên của sa mạc Gobi.
Tên gọi của dãy núi trong tiếng Turk là Alytau hay Altay, trong đó Al có nghĩa là "vàng", tau là "núi"; trong tiếng Mông Cổ là Altain-ula, tức "dãy núi Vàng". Dãy núi này còn có tên gọi bản địa khác là Ek-tagh, Altai Mông Cổ, Đại Altai và Nam Altai. Nơi đây có khu vực Các ngọn núi vàng của dãy Altay được công nhận là Di sản thế giới. Khi tiết trời sang thu, cây cỏ xung quanh dãy núi đều ngả
một màu vàng óng, đem đến một cảnh sắc lay động lòng người.
Năm ngọn núi cao nhất của Altai là:
- Belukha, 4.506 m (14.783 ft), Kazakhstan–Nga
- Đỉnh Khüiten, 4,374 m (14,35 ft), Trung Quốc (Tân Cương)–Mông Cổ
- Mönkh Khairkhan, 4,204 m (13,79 ft), Mông Cổ
- Núi Sutai, 4,220 m (13,85 ft), Mông Cổ
- Tsambagarav, 4,195 m (13,76 ft), Mông Cổ
Các khu vực chính của Dãy Núi Altai
Dãy núi Altai tiêu biểu cho khu vực phía bắc nhất chịu ảnh hưởng của các va chạm kiến tạo của tiểu lục địa Ấn Độ vào châu Á. Các hệ thống đứt gãy lớn chạy suốt trong khu vực, bao gồm khu vực đứt gãy Kurai và khu vực đứt gãy gần đây mới phát hiện ra là khu vực đứt gãy Tashanta. Các hệ thống đứt gãy này là các đứt gãy xô đẩy hoặc trượt, một số trong chúng thuộc dạng đang hoạt động kiến tạo. Các dạng đá điển hình của dãy núi là các loại granit và đá phiến biến chất và một số bị biến dạng lớn gần các khu vực đứt gãy.
Ở phía bắc của khu vực này là dãy núi Sailughem hay dãy núi Silyughema, còn gọi là Kolyvan Altai, nó kéo dài từ đông bắc tại khu vực tọa độ 49° Bắc và 86° Đông kéo dài về phía các đỉnh cao phía tây của dãy núi Sayan tại khu vực có tọa độ 51°60' Bắc và 89° Đông. Độ cao trung bình của nó là 1.500-1.750 m. Tuyết bao phủ từ độ cao 2.000 m ở sườn phía bắc và từ độ cao 2.400 m ở sườn phía nam, và phía trên nó là các đỉnh cao gồ ghề cao hơn nữa khoảng 1.000 m. Rất ít các đường đèo vượt ngang qua dãy núi và rất khó đi, chính yếu nhất là Ulan-daban ở cao độ 2.827 m (theo Kozlov là 2.879 m) tại phía nam và Chapchan-daban ở cao độ 3.217 m, tại phía bắc. Ở phía đông và đông nam thì nằm ở sườn dãy núi này là cao nguyên Mông Cổ lớn, chuyển tiếp giữa chúng là các cao nguyên nhỏ, như Ukok 2.380 m với Pazyryk, Chuya 1.830 m, Kendykty 2.500 m, Kak 2.520 m, Suok 2.590 m và Juvlu-kul 2.410 m.
Khu vực này có một vài hồ lớn, như Ubsa-nor 720 m trên mực nước biển, Kirghiz-nor, Durga-nor và Kobdo-nor 1.170 m, và bị cắt ngang bởi nhiều dãy núi khác, trong đó chủ yếu là dãy núi Tannu-Ola, chạy gần như song song với dãy núi Sayan về phía đông tới Kosso-gol, và dãy núi Khan-khu, cũng kéo dài theo hướng đông-tây.
Altai trung tâm
Các vách núi phía tây bắc và phía bắc của dãy Sailughem là rất dốc và rất khó tiếp cận. Ở phía này là các đỉnh cao nhất của dãy núi, đó là núi đôi Belukha, các đỉnh cao của nó đạt tới độ cao 4.506 và 4.440 m, và là nơi phát sinh của một số sông băng (30 km² trong khu vực tổng thể vào năm 1911). Ở đây còn có Kuitun (3.660 m) và một vài đỉnh núi cao khác nữa. Một số mũi núi khác, tỏa ra theo các hướng từ dãy núi Sailughem và nối liền dãy núi này với vùng đất thấp Tomsk. Chẳng hạn dãy núi Chuya, có độ cao trung bình 2.700 m, với các đỉnh 3.500-3.700 m, và ít nhất 10 sông băng ở sườn phía bắc của nó; dãy núi Katun, có độ cao trung bình khoảng 3.000 m và chủ yếu bị tuyết bao phủ, dãy núi Kholzun; Korgon 1.900-2.300 m, dãy núi Talitskand Selitsk; dãy núi Tigeretsk.
Một vài cao nguyên thứ cấp với độ cao thấp hơn cũng đã được các nhà địa lý phát hiện, Thung lũng Katun bắt đầu như một hẻm núi ở sườn tây nam của Belukha; sau đó qua một khúc uốn cong lớn, con sông Katun dài 600 km này xuyên qua dãy núi Katun và đi vào một thung lũng rộng hơn, nằm ở cao độ từ 600-1.100 m, tại đó nó tiếp tục chảy cho đến khi nó hòa nhập với sông Biya tại khu vực có phong cảnh đẹp. Sông Katun và Biya cùng nhau tạo thành sông Obi.
Thung lũng kế tiếp là Charysh, nó có các dãy núi Korgon, Tigeretsk ở một bên và các dãy núi Talitsk, Bashalatsk ở một bên. Thung lũng này cũng rất màu mỡ. Dãy núi Altai, nhìn từ thung lũng này, tạo thành những phong cảnh đẹp nhất, bao gồm hồ Kolyvan nhỏ nhưng sâu (360 m), được bao quanh bởi các sườn núi granit.
Xa hơn về phía tây là các thung lũng Uba, Ulba và Bukhtarma chạy theo hướng tây-nam về phía sông Irtysh. Phần thấp của thung lũng đầu tiên, tương tự như thung lũng thấp Charysh, có đông dân cư ở; tại thung lũng Ulba là mỏ Riddersk, ở dưới chân đỉnh Ivanovsk (2.060 m), được bao phủ bởi các đồng cỏ vùng núi cao. Thung lũng Bukhtarma có chiều dài 320 km, cũng bắt nguồn từ chân các núi Belukha và Kuitun, và do nó hạ độ cao tới 1.500 m trong khoảng 300 km chiều dài (từ cao nguyên ở độ cao 1.900 m tới pháo đài Bukhtarma ở độ cao 345 m), nó tạo ra một trong những phong cảnh và thảm thực vật tương phản mạnh nhất. Phần trên cao của nó là các sông băng, trong đó được biết đến nhiều nhất là sông băng Berel, bắt nguồn từ Byelukha. Ở phía bắc của dãy núi, nơi chia tách phần thượng của thung lũng Bukhtarma ra khỏi phần thượng của thung lũng Katun là sông băng Katun, sau hai thác băng đã mở rộng ra tới 700–900 m. Từ các hang động trong sông băng này phát sinh sông Katun.
Đông Altai
Ek-tagh hay Altai Mông Cổ chia tách lòng chảo Kobdo ở phía bắc ra khỏi lưu vực sông Irtysh ở phía nam, có thể coi là biên giới thực thụ, tại khu vực này phát sinh các vách núi dốc đứng từ vùng đất thấp Dzungaria (Chuẩn Cát Nhĩ) (470–900 m), nhưng thấp dần về phía bắc tới một cao nguyên có độ dốc tương đối nhỏ (1.150-1.680 m) ở phía tây bắc Mông Cổ. Về phía đông của kinh độ 94° thì dãy núi được nối tiếp bằng một chuỗi kép các dãy núi, tất cả chúng đều ít đáng chú ý về mặt sơn văn học và có độ cao thấp hơn nhiều. Các sườn núi của chuỗi hợp thành hệ thống này chủ yếu là những người Kirghiz du cư sinh sống.
Dãy Núi Altai - Nơi ẩn chứa những câu chuyện huyền bí
Với địa thế đồ sộ, ít người sinh sống, dãy Altai cách xa nền văn minh thế giới và chứa đựng rất nhiều giá trị tâm linh. Tương truyền đỉnh núi Belukha (cao nhất dãy Altai) là trung tâm của vũ trụ, những vì sao quay quanh núi. Ẩn trên đỉnh núi là một vương quốc huyền bí của trí tuệ thông thái và tự do, được gọi là Shambhala. Theo truyền thuyết Phật giáo, Shambhala là một vương quốc bí ẩn, nơi các giá trị và truyền thống Phật giáo làm chủ. Cảnh giới tâm linh này cũng là chỗ trú ngụ của đại chiến binh Gesar, người dẫn đầu các bộ tộc chân chính, tiến vào thế giới loài người để chống lại ma quỷ. Lối vào Shambhala theo truyền thuyết có thể nằm ở rất nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên không dễ để tới được nơi đây.
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, Tenzin Gyatso đã nói về Shambhala: “Không có vấn đề gì, cho dù Shambhala là một nơi đâu đó trên hành tinh này hay không, vương quốc này vẫn chỉ có thể được nhìn thấy bởi những người có tâm trí trong sạch và tin vào nghiệp báo.” Đạt-lai Lạt-ma cho rằng, cánh cửa dẫn tới Shambhala sẽ không xuất hiện cho tới khi con người đạt đến độ thánh khiết theo tiêu chuẩn của thiên đường này. Trong Ấn Độ giáo, Shambhala có ba ý nghĩa: Shambhal là một nơi mà có thể được nhận bình an, hòa bình và an ninh; đó là nơi thu hút những người khác, hoặc điều lạ lùng, khác biệt; và ý nghĩa thứ ba là, “một nơi nằm gần nước”. Nhiều người tin rằng cánh cửa dẫn tới Shambhala không tồn tại ở dạng vật chất mà là trong cảnh giới tinh thần.
Xưa kia, dãy Altai cũng là một mắt xích trọng yếu trên con đường tơ lụa nổi tiếng. Chính vì thế, dãy núi đóng vai trò như người đưa đường chỉ lối cho các dân tộc du mục đi khắp thế giới, rất nhiều câu chuyện thần thoại nổi tiếng được bắt đầu từ đây. Và dãy Altai, cùng với cảnh sắc tuyệt đẹp, khoác lên mình tấm áo mờ ảo của làn sương băng giá và những câu chuyện huyền bí xung quanh nó.
Có rất ít đường đèo vượt ngang qua dãy núi và rất khó đi. Chính vì điều kiện hiểm trở, Altai có rất ít dấu chân người. Du khách khi tham gia tour Mông Cổ sẽ được đặt chân đến nơi được mệnh danh là “sạch nhất địa cầu”, tận hưởng không khí trong lành cùng với vẻ đẹp như “chốn bồng lai tiên cảnh”, nơi đây sẽ trở thành trải nghiệm tuyệt vời nhất mà bạn từng thử qua.
Dãy núi Altai Mông Cổ - Kì quan thiên nhiên hiếm có
Năm 1998, “Các ngọn núi vàng” của dãy Altai đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Vùng núi có diện tích 16 175 km bao gồm Altai, khu bảo tồn thiên nhiên Altai, khu bảo tồn tự nhiên Katun, hồ Teletskoye, đỉnh Belukha và cao nguyên Ukok – tạo thành di sản thế giới tự nhiên của UNESCO, gọi là Dãy núi vàng Altai. UNESCO cũng đã đề cập tới tầm quan trọng của Altai trong việc bảo tồn các động vật có vú đang nguy cấp ở mức độ toàn cầu, chẳng hạn báo tuyết và cừu Argali.
Khu vực Altai có khí hậu ôn đới lục địa với mùa hạ ngắn và nóng, mùa đông kéo dài và lạnh. Khi mùa đông tới, nhiệt độ trung bình từ -10 độ C đến – 40 độ C, mùa hạ ấm áp, nhiệt độ trung bình trên 10 độ C. Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, Altai không sở hữu thảm thực vật phong phú, chủ yếu là rừng lá kim sáng. Đặc điểm của rừng này là cây thấp và thưa, ánh sáng lọt thỏm xuống chân rừng, tạo điều kiện cho thực vật thấp phát triển như địa y, đỗ quyên. Lượng mưa trung bình từ 400-600mm/năm, chủ yếu do các trận mưa trong tháng mùa hè, tuyết và sương cũng góp phần đáng kể. Tuy lượng mưa ít nhưng tốc độ bay hơi thấp nên vẫn đủ ẩm để thực vật phát triển.
Với diện tích trải dài qua biên giới Mông Cổ, Nga, Trung Quốc và Kazakhstan, dãy núi Altai bao gồm các dạng địa hình miền núi, từ thảo nguyên, rừng thảo nguyên cho tới rừng hỗn hợp và núi cao. Núi ở đây gồ ghề, hình thành do kết quả đứt gãy lục địa từ 500 triệu năm trước, sau đó bị bào mòn bởi gió, mưa. Tuyết bao phủ từ độ cao trên 2000m ở sườn phía bắc và 2400m ở sườn phía tây.
Nơi đây có khí hậu lạnh giá, băng kết vĩnh cữu rất phổ biến. Các ngọn núi cao của dãy Altai gồm: Belukha (4506m), Đỉnh Khüiten (4374m), Mönkh Khairkhan (4204m), Núi Sutai (4220m) và Tsambagarav ( 4195m) đều hình thành tầng băng giá vĩnh cữu. Đây là điểm thu hút khách du lịch khi đến với đất nước Mông Cổ, những tầng băng giá vĩnh cữu ẩn hiện trong lớp sương mờ nhạt đem đến vẻ đẹp kì ảo và không kém phần huyền bí.
Thực tế, Altai được chia thành 3 khu vực riêng biệt: Zapovednik Altaisky và vùng đệm xung quanh hồ Teletskoye, Zapovednik Katunsky và vùng đệm xung quanh núi Belukha và khu Ukok yên tĩnh trên cao nguyên Ukok.
Zapovednik Altaisky là vùng có các hệ động thực vật đa dạng, gồm 72 loài động vật có vú và 310 loài chim. Trong số các loài động vật có vú, nổi bật nhất là giống cừu hoang dã lớn nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, được gọi là cừu núi Argali.
Núi Belukha là ngọn núi cao nhất ở dãy Altai với độ cao 4506m. Theo văn hóa dân gian địa phương, nó là cửa ngõ để đến với vương quốc thần thoại “Shambhala”. Nếu có dịp ghé qua dù chỉ một lần, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp như chốn thiên đường của vùng đất nơi đây. Gần núi Belukha, Zapovednik Katunsky và vùng đệm xung quanh là nơi có nhiều dấu vết thực vật cổ xưa. Đó là các loài cổ sinh đã sống sót từ rất lâu cũng như hệ thực vật phong phú có một không hai trên Trái đất.
Khu Ukok có phong cảnh hoàn toàn khác biệt. Ukok dịch từ tiếng Turk cổ có nghĩa là “khởi nguyên của tất cả”. Những du khách từng đến thăm cao nguyên xác nhận rằng ở đây chứ không phải nơi nào khác, tạo cho ta ấn tượng lạ lùng dường như đang đứng bên điểm khởi đầu của thế giới. Nằm trên cao nguyên núi cao, Ukok được bao quanh bởi những ngọn đồi và thảo nguyên cỏ đất, cùng hệ thống suối và hồ phong phú. Những dòng suối nhỏ chảy từ trên núi dồn tụ thành sông, nhiều chỗ nước tuôn xuống từ vách đá tạo nên khung cảnh thác nước đẹp như tranh vẽ.
Một trong những thác nước đẹp và lớn nhất miền Atlai đó là thác Uchar. Để chiêm ngưỡng sức mạnh của Uchar, bạn phải đi cano đến Mũi Kyrsay trên hồ Teletskoye. Sau đó phải vượt qua những dòng suối cuồn cuộn chảy, mà chiếc cầu là những thân cây đổ vắt ngang. Ở một vài nơi có đường mòn ven sườn dốc. Sự mạo hiểm được tăng thêm vài phần khi bạn phải vòng qua những tảng đá, bám chắc vào bức tường đá theo lối mòn nhỏ hẹp mà đi. Nhưng việc được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp như chốn “bồng lai tiên cảnh” của thác Uchar sẽ khiến ta cảm thấy không bõ công chút nào.
Hãy cùng tham gia Tour du lịch Mông Cổ tại Du Lịch Phượng Hoàng để đến Mông Cổ để chứng kiến những cảnh đẹp kì vĩ mà thiên nhiên bạn tặng cho chúng ta. Ngoài ra tại Mông Cổ còn rất nhiều cảnh quan tuyệt vời khác đang chờ bạn khám phá nữa đó.
Hãy cùng tham gia Tour du lịch Mông Cổ tại Du Lịch Phượng Hoàng để đến Mông Cổ để chứng kiến những cảnh đẹp kì vĩ mà thiên nhiên bạn tặng cho chúng ta. Ngoài ra tại Mông Cổ còn rất nhiều cảnh quan tuyệt vời khác đang chờ bạn khám phá nữa đó.
Các bài viết khác