- Du lịch Phượng Hoàng
- /
- Tin tức
- /
- Kinh nghiệm Du lịch
- /
- Tìm hiểu về thủ đô Viêng Chăn của Lào và tour du lịch Lào giá tốt
Tìm hiểu về thủ đô Viêng Chăn của Lào và tour du lịch Lào giá tốt
Viêng Chăn (ວຽງຈັນ,) tiếng Việt xưa gọi là Vạn Tượng hay Mường Viêng vừa là thủ đô vừa là thành phố lớn nhất của Lào trên bờ sông Mê Kông gần biên giới với Thái Lan, đơn vị hành chính địa phương cấp một ngang với các tỉnh của Lào.
Viêng Chăn bao gồm chín đơn vị hành chính cấp hai, năm đơn vị đô thị và bốn đơn vị nông thôn, trong đó thủ đô Viêng Chăn được xác định ở khu vực đô thị gồm chín quận của Viêng Chăn.
Viêng Chăn trở thành thủ đô vào năm 1573, do người Lào lo ngại về một cuộc xâm lược của người Miến, nhưng sau đó đã Lào lại bị cướp phá, rồi bị san bằng vào năm 1827 bởi Xiêm. Viêng Chăn từng là thủ đô hành chính trong thời kỳ cai trị của Pháp và do sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian gần đây, hiện nay là trung tâm kinh tế của Lào.
Vị trí địa lý của Viêng Chăn
Viêng Chăn rộng 3920 km² và có 820.940 dân (năm 2015, tính cả khu vực đô thị và các huyện nông thôn) trong đó khu vực Thủ đô có 471.000 người (2015), tiếp giáp với tỉnh Viêng Chăn ở phía tây bắc và bắc, Bolikhamsai ở phía đông bắc, tỉnh Nong Khai của Thái Lan ở phía nam và tỉnh Bueng Kan của Thái Lan ở phía đông với sông Mê Kông là biên giới tự nhiên.
Viêng Chăn nằm ở tả ngạn sông Mê Công, ở tọa độ 17°58' Bắc, 102°36' Đông (17.9667, 102.6). Ở đoạn này con sông chính là biên giới giữa Lào với Thái Lan.
Nguồn gốc tên gọi của Viêng Chăn
Thành phố Viêng Chăn trong tiếng Lào là Nakhonluang Viangchan (tiếng Lào: ນະຄອນຫຼວງວຽງຈັນ), trong đó Nakhon là "thành phố", luang là "chính" hoặc "lớn". Trong đó, phần Thủ đô Viêng Chăn trong tiếng Lào gọi là Kampheng nakhon Viangchan.
Tên gọi của thành phố bắt nguồn từ tiếng Pali, ngôn ngữ diễn đạt văn chương của Phật giáo tiểu thừa, và những nghĩa ban đầu của nó là "Khu rừng đàn hương của nhà vua", loại cây quý vì mùi hương của nó theo kinh điển Ấn Độ.
Nghĩa của Viêng Chăn là "Thành (phố) Trăng" trong tiếng Lào. Cách phát âm và phép chính tả hiện đại Lào không phản ánh rõ ràng từ nguyên tiếng Pali này. Tuy nhiên tên gọi trong tiếng Thái เวียงจันทน์ vẫn giữ được nguyên gốc từ nguyên, và "Thành Đàn hương" là nghĩa gốc của tên gọi này.
Cách phát âm theo các ngôn ngữ latinh (Vientiane) có nguồn gốc từ tiếng Pháp, và phản ánh sự khó khăn của người Pháp khi đánh vần phụ âm "ch" của tiếng Lào; một cách Latin hóa từ chữ cái Lào (ວຽງຈັນ) là "Viangchan", từ chữ cái Thái (เวียงจันทน์) là "Wiangchan".
Thời tiết tại Viêng Chăn
Viêng Chăn được thiên nhiên ưu ái dòng chảy của con sông Mê Kông bồi đắp nên phù sa màu mỡ cũng như khung cảnh thơ mộng. Đông bằng sông tuy hẹp nhưng màu mỡ.
Khí hậu trong khu vực chủ yếu là khí hậu nhiệt đới đặc trưng là có mùa mưa và mùa khô trong đó mùa mưa diễn ra hàng năm từ khoảng tháng 5 đến tháng 11. Các tháng còn lại thì Vientiane bước vào mùa khô. Mỗi mùa thủ đô lại có những màu sắc riêng biệt, mang đến cho du khách những cái nhìn ấn tượng. Chính vì vậy bạn có thể tới Viêng Chăn vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô Viêng Chăn
1. Khải hoàn môn Patousai
Được xây dựng vào thập niên 60 của thế kỷ XX, để kỷ niệm việc nhân dân Lào giành được độc lập từ tay Pháp. Khải hoàn môn Patousai được xây dựng theo mô hình Khải hoàn môn ở thủ đô Paris, nhưng mang phong cách kiến trúc Lào với những phù điêu nữ thần Kinnari nửa người nửa chim.
2. Chùa That Luang
Chùa That Luang ở Viêng Chăn được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, trên tàn tích của một ngôi chùa theo phong cách Khmer có sớm nhất từ thế kỷ XIII. Đến thế kỷ XIX, ngôi chùa bị người Thái tàn phá nặng nề, nhưng ngay sau đó nó đã được khôi phục lại. Kiến trúc của ngôi chùa tiêu biểu cho những nét văn hóa Lào. Ngày nay chùa That Luang được xem là biểu tượng quốc gia của Lào.
3. Chùa Wat Sisaket
Chùa Wat Sisaket là một trong những ngôi chùa cổ nhất Viêng Chăn, được nhà vua Chao Anouvong cho xây dựng vào năm 1818. Trong chùa có nhiều tượng Phật cổ, có giá trị nghệ thuật cao, niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.
4. Chợ đêm Viêng Chăn
Chợ đêm Viêng Chăn nằm ngay cạnh dòng sông MeKong huyền thoại, chợ họp chủ yếu phục vụ du khách tham quan thủ đô đất nước triệu voi. Đến với chợ đêm Viêng Chăn, bạn có thể thưởng thức những món ăn vặt đặc trưng của nước Lào và các sản phẩm về Phật giáo như: dây chuyền, tượng Phật, tranh Phật hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
5. Chợ Talat Sao
Talat Sao là một khu thương mại sầm uất bao gồm những trung tâm mua sắm bày bán các món đồ điện tử, thiết bị thể thao, đồ trang sức và khu chợ Sáng truyền thống cung cấp vô số những mặt hàng khác nhau. Khu chợ thường được mở cửa từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Các Lễ hội nổi tiếng của thủ đô Viêng Chăn
1. Lễ hội Thạt Luổng
Hội Thạt Luổng là lễ hội truyền thống đặc sắc đậm nét văn hóa Lào nhất và thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân địa phương mà còn nhiều du khách. Lễ hội này thường diễn ra sát ngày rằm tháng 12 theo lịch nhà Phật, thường kéo dài khoảng 1 tuần và kết thúc vào đúng ngày rằm của tháng đó. Trong lễ hội thì có hàng ngàn cuộc triển lãm hàng hóa sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công.
Một phần đặc sắc của lễ hội này là lễ rước Pha Sạt Phong hay còn gọi là rước tháp. Trên mỗi chép tháp có cắm 9 bông sen trắng xung quanh cóc các tua dây kết hoa tiền bạc. Theo tập tục thì mỗi gia đình hoặc mỗi nhóm có thể chung một Phạ Sat Phong.
2. Lễ hội té nước
Đây là mùa du lịch đẹp nhất tại Viêng Chăn. Lễ hội này thường diễn ra khoảng ngày 13 đến 15 tháng 4 tính theo lịch Phật. Với mong ước đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật ấm no hạnh phúc thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Đồng thời vào dịp tết này người ta thường té nước vào nhau để cầu may mắn cho cả năm.
3. Lễ hội lên chùa Khậu – Phăn – Xả
Là đất nước coi trọng đạo Phật, tất cả người dân đều tham gia Khẩu – phẳn – sả, khách du lịch Lào cũng như người nước ngoài khác tôn giáo cũng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi hoạt động này. Thời gian lễ hội bắt đầu vào khoảng đầu tháng 3 và kết thúc vào giữa tháng 11. Trong thời gian này tất cả mọi người từ nông thôn tới thành thị đều mang lễ vật lên chùa với mục đích cầu may mắn và bình yên cho cả năm.
Các món ăn nổi tiếng của Viêng Chăn
1. Cá nướng
Cá nướng là đặc sản của Viêng Chăn. Cá nướng ở đây được bắt trực tiếp từ sông Mê Kong nên vo cùng tươi ngon. Cách chế biến món ăn này cũng khá đơn giả nhưng được đánh giá là món ăn ngon nhất được chế biến từ cá của đất nước này. Cá để nướng thường là loại chắm, hoặc chép có trọng lượng từ nửa cân tới 2 cân. Người Lào thường ăn cá nướng cùng xôi chấm muối ớt trong cả ngày thường và dịp lễ hội.
2. Các món côn trùng
Cũng giống như Campuchia và Thái Lan thì những món ăn từ côn trùng vẫn luôn cực kỳ có sức hấp dẫn với người dân Lào lẫn khách du lịch. Những con côn trùng như nhện, dế, trứng kiến, châu chấu…được chiên, xào, nướng, hấp nhưng ngon nhất vẫn là nướng.
3. Món Lạp Lào
Đây là món ăn truyền thống của người Lào thường xuất hiện trong những ngày lễ trọng đại hay dịp tết. Món Lạp được làm từ thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt hươu hay thịt trâu xay nhuyễn rồi trộn với rau thơm, bạc hà, nước cốt chanh, ớt tươi đem xào lên. Để thưởng thức món ăn này bạn có thể ăn cùng cơm hoặc ăn kèm rau xà lách, đậu đũa, cà chua, dưa chuột…
4. Gà nướng (Ping Kai)
Ở Viêng Chăn họ sẽ nướng gà nguyên con và kẹp trong que tre sau khi đã tẩm ướp gia vị. Trên con đường từ thủ đô Viêng Chăn tới Luang Prabang có nhiều quán gà nướng thơm ngon nức mũi, khiến bạn không thể kiềm lòng mà dừng lại ăn món đặc sản này. Một con gà nướng như vậy sẽ được bán với giá từ 100.000đ – 150.000đ, đủ cho khoảng 2- 3 người ăn.
5. Bò Khô (Sien Savanh)
Thịt bò khô của người Lào có cách làm khá đơn giản, sau khi chọn được những miếng thịt bò tươi ngon, người ta sẽ ướp với xì dầu, ớt, hạt tiêu và một số loại khác sao cho thịt bò ngấm rồi đun lên cho thịt bò chín sau đó là đem phơi nắng nhiều ngày để thịt bò khô.
Món này có bán tại nhiều quán vỉa hè và dọc bờ sông Viêng Chăn, ngồi nhâm nhi chén rượu với món bò khô ngắm cảnh sinh hoạt của người dân địa phương thì rất tuyệt vời.
6. Nộm đu đủ xanh (Tam Mak Houng)
Đu đủ bào thành sợi nhỏ rồi trộn với các loại gia vị chua, cay, mặn, ngọt và thêm vào lạc rang, đỗ xanh nên khi ăn có vị giòn thơm cực ngon. Món này chủ yếu hấp dẫn các bạn trẻ thích ăn vặt và được bày bán trong những quán ăn vặt ven đường hoặc chợ của người Lào.
Một số điều cần chú ý khi du lịch Lào ở Viêng Chăn
Lào là đất nước sùng đạo Phật chính vì vậy cũng có một số lưu ý khi bạn tới thăm nơi đây:
- Không ôm eo hay hôn tay phụ nữ Lào nếu chưa được phép, thậm chí ở ngay cả các điểm massage ban cũng không được cói hành động tương tự.
- Không có hành động vỗ lên đầu của người Lào đặc biệt là đàn ông. Người Lào khá kiêng cữ và không thích bị xúc phạm đến thân thể đặc biệt là vùng đầu vì họ cho rằng đó nơi linh thiêng.
- Khi đến chùa chiền tham gia các lễ hội bạn cũng không nên ăn mặc hở hang hay nói những lời khiếm nhã. Đặc biệt một số điểm thăm quan không được phép chụp ảnh chính vì vậy nên chú ý các biển báo xung quanh trước khi bấm máy.
Trên đây là một số điều thú vị về thủ đô Viêng Chăn của Lào. Hy vọng những thông tin này sẽ có ích cho các bạn khi đi du lịch Lào.
Các bài viết khác